Tranh sơn dầu


Mách về tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu

       Tranh chất liệu sơn dầu là một trong những loại tranh phổ biến nhất thế giới. Sơn dầu là một chất liệu đặc biệt, được sử dụng từ khoảng thế kỉ XV, khi các họa sĩ thời đó tìm cách đun các hạt màu với dầu lanh để ra được chất liệu có màu sắc bền vững hơn.



        Từ đó đến nay, kĩ thuật sơn dầu đã nhiều lần được cải biến, phát triển. Tuy nhiên, việc pha chế sơn dầu vẫn là một thách thức với các họa sĩ trẻ. Nếu dùng sơn pha ít dầu quá sẽ gây rạn nứt tranh, nếu pha nhiều dầu (dầu lanh) sẽ khiến lớp sơn lâu khô… Những sai lầm trong việc pha chế chất liệu cũng có thể hủy hoại cả một tác phẩm lớn, như trường hợp của bức tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu Bữa tối cuối cùng (Leonardo Da Vinci).

        Bù lại, chất liệu tuyệt vời này đã tạo ra và lưu giữ lại cho chúng ta nhiều tuyệt tác tranh sơn dầu đẹp từ hàng trăm năm trước như: Mona Lisa (hay La Joconda) – Leonardo Da Vinci, Ấn tượng – mặt trời mọc –  C. Mornet, Vệ nữ ngủ – Giorgione, Đi tuần đêm – Rembrandt…



        Ở Việt Nam, có rất nhiều thế hệ họa sĩ tốt nghiệp từ trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương đã thành công với tranh sơn dầu. Họ không chỉ thành công trong một kĩ thuật vẽ tranh mới, mà còn thổi hồn dân tộc vào chất liệu này.

         Những bức tranh chất liệu sơn dầu với đề tài phố cổ Hà Nội đã thực sự tạo nên tên tuổi họa sĩ Bùi Xuân Phái, đưa ông lên vị trí tứ hùng của nền hội họa Việt Nam trong lòng công chúng: Phái (Bùi Xuân Phái) – Sáng (Nguyễn Sáng) – Liên (Dương Bích Liên) – Nghiêm (Nguyễn Tư Nghiêm). Phố trong tranh ông vừa cổ kính vừa hiện đại, ẩn chứa cả hồn cốt của phố cổ Hà Nội những năm 1950 – 1970.



      Họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng nổi tiếng với nhiều bức tranh chất liệu sơn dầu, trong đó được biết đến nhiều nhất là bức Thiếu nữ bên hoa huệ. Trong tranh, cô gái trẻ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu về phía lọ hoa huệ tây (thường được gọi với tên hoa loa kèn). Bức tranh toát ra một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng, nhưng cũng hiện rõ nét thanh tao, trang nhã của người Hà Nội.

        Cùng với họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng được xếp trong bộ tứ kiệt khác của làng hội họa Việt Nam: nhất Trí (Nguyễn Gia Trí) nhì Vân (Tô Ngọc Vân) tam Lân (Nguyễn Tường Lân) tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn). Một trong những bức tranh sơn dầu được biết đến nhiều nhất của ông là Em Thúy. Bức tranh vẽ cô cháu gái 8 tuổi của họa sĩ, với đôi mắt to tròn, ngây thơ, trong sáng và thánh thiện.